TP.HCM đề xuất hỗ trợ nhân viên ở các lĩnh vực quan trọng gồm: quán bar, rạp chiếu phim, karaoke. Tất cả là những ngành nghề đều bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 trong thời gian qua.
Theo đó, sở đã đề nghị bổ sung một số ngành nghề khác vào nhóm lao động tự do bị mất việc làm, gặp khó khăn do dịch COVID-19 để xem xét hỗ trợ.
Cụ thể là người làm tại các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, massage, xông hơi; làm tại các tụ điểm vui chơi, giải trí, sân khấu, rạp chiếu phim, nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, vũ trường, quán bar, karaoke, pub, beer pub, hát với nhau; làm tại các địa điểm du lịch, tham quan, di tích, bảo tàng, thư viện; làm tại các cơ sở kinh doanh thể thao (gym, fitness, billiards, yoga…), các trung tâm thể dục thể thao và các khu luyện thể thao công cộng; làm việc tại bến xe, làm thuê tại các hộ kinh doanh vận tải hành khách công cộng…
Ông Lê Minh Tấn cho biết khảo sát bước đầu tại 24 quận huyện ở TP.HCM ghi nhận có gần 27.500 người (trong đó có 6.700 người ngoại tỉnh) thuộc diện trên. Mức hỗ trợ cao nhất là 1 triệu đồng/người, dự kiến được trích từ Quỹ Phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM.
Đây là nhóm lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, thời gian làm việc dài, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng thời người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Người lao động sẽ nhận được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện: không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo TP.HCM (dưới 3 triệu đồng/người/tháng); cư trú hợp pháp tại địa phương; làm công việc thuộc các lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động trong tháng 4-2020. Trường hợp tạm trú cần có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ