Music Producer là gì?

  • ...

Music Producer – nghề không dành cho những ai kiếm tìm sự hào nhoáng. 

Nhiều năm trở lại đây, Music Producer trở thành một nghề không còn quá xa lạ với các bạn trẻ Việt Nam, đặc biệt là các bạn yêu thích thể loại nhạc EDM. Và thật ra thì Music Producer đã tồn tại song hành cùng nền âm nhạc Việt nhưng đây chưa được coi là một ngành nghề hay một lĩnh vực chính thức. 

Đã bao giờ bạn tự hỏi, đằng sau mỗi thành công của một bản hit là có sự đóng góp của những ai, họ đã làm thế nào để có thể cho ra đời những bản hit như thế? Bạn có thể dễ dàng kể tên một loạt tên các nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công nhưng ít ai biết rằng để có được những thành công ấy là cả một ekip và trong đó có cả một nhà sản xuất âm nhạc. Có thể nói, Music Producer là những người đóng góp không nhỏ vào thành công ấy và họ thường được vinh danh một cách thầm lặng, bởi không phải khán giả nào cũng hay biết hoặc thậm chí để tâm đến họ. 

Music Producer là gì?

Có thể hiểu một cách nôm na, Music Producer là người chịu trách nhiệm cho phần sản xuất âm nhạc. Họ thực hiện các album, các tác phẩm âm nhạc, chịu trách nhiệm không nhỏ cho chất lượng đầu ra của các sản phẩm đó. Một album có thể được cộng tác bởi nhiều ca sĩ/ nhạc công/ nhạc sĩ, tuy nhiên chỉ có một Music Producer phải đi xuyên suốt với quá trình tạo ra sản phẩm âm nhạc ấy. 

Music Producer – Nhà sản xuất âm nhạc không hẳn phải là người biết sáng tác, biết hoà âm phối khí nhưng một nhà sản xuất âm nhạc chắc chắn phải có sự am hiểu những công việc đó để có thể mang đến một sản phẩm âm nhạc chỉn chu về cả hình thức lẫn nội dung.

Là một nghề không dành cho những ai yêu thích sự hào nhoáng, sự tung hô từ khán giả, đây thậm chí còn là nghề mà bạn phải học cách làm việc độc lập và đôi khi bạn phải rèn dũa cho mình khả năng chịu được áp lực công việc lớn vì để quản lý, chăm chút cho những dự án âm nhạc không phải việc làm văn phòng một ngày 8 tiếng. Nếu bạn đang tìm kiếm cho mình ánh hào quang, thì chắc chắn bạn sẽ phải thất vọng khi trở thành một Music Producer vì hầu như hàng ngày bạn sẽ phải đối diện với những thiết bị phòng thu và như đã nói, làm việc độc lập chính là một trong những điều đầu tiên một Music Producer phải đối diện và làm quen. 

Music Producer cần tố chất gì?

Chẳng có công việc nào là dễ dàng, đặc biệt là khi bạn không thật sự yêu thích nó. Nên để trở thành một Music Producer chắc chắn điều đầu tiên bạn cần và nó cũng là điều tiên quyết rằng bạn có thành công hay không, chính là sự đam mê âm nhạc. Bạn phải thật sự có niềm đam mê âm nhạc, khao khát muốn tạo ra những sản phẩm âm nhạc tuyệt vời, và sẵn sàng hy sinh thời gian để không ngừng học hỏi, củng cố niềm đam mê ấy. 

Đây là một nghề cần thời gian, rất nhiều thời gian để học hỏi, để trau dồi các kỹ năng, để thử nghiệm, để sai và để tiếp tục thử nghiệm. Mỗi lần thử và thất bại, bạn lại cần thêm thời gian để củng cố, để chỉnh sửa lại và tích luỹ thị hiếu của người nghe mà bạn muốn hướng tới. 

Cuối cùng là sự sáng tạo, để trở thành một nhà sản xuất âm nhạc bạn phải cần rất nhiều sự sáng tạo. Đối với các ngành giải trí, bạn đòi hỏi phải luôn không ngừng cho ra những ý tưởng, tạo ra những cái mới, đặc biệt là ngành âm nhạc sự đào thải diễn ra rất nhanh chóng nếu bạn không theo kịp xu hướng, không thoát ra khỏi những rập khuôn. Khán giả là những người luôn đòi hỏi cái mới để được thoả mãn nhu cầu giải trí của mình.

Tại sao đôi khi chỉ xuất hiện tên của DJ/Producer mà tên ca sĩ lại mất hút?

Trong ngành công nghiệp âm nhạc, có những DJ tên tuổi và sức ảnh hưởng vô cùng lớn không chỉ với làng âm nhạc EDM thế giới như Avicii, Calvin, Harris,…họ sở hữu những dự án âm nhạc khủng của riêng mình, chưa kể đến những dự án hoành tráng khi collab với các nghệ sĩ lớn khác. Các dự án đó có thể là E.P với mục đích duy nhất là tôn vinh phần âm thanh bằng phần hoà âm phối khí của mình, đấy là những sản phẩm mang đậm dấu ấn cùng “bản sắc” âm nhạc cá nhân.

Trong một số trường hợp, vocal là yếu tố góp phần tạo bản nhạc của các DJ hoặc Producer nổi tiếng như một loại nhạc cụ trong tổng thể cả một sản phẩm. Cũng chính vì thế trong những trường hợp này, các DJ và Producer sẽ thường chọn các giọng ca có ít tên tuổi nhưng vẫn đảm bảo chất lượng để không “lấn át” phần nhạc hay bản phối do mình thực hiện. Điều này sẽ gíup cho thương hiệu cá nhân của các Producer được đảm bảo và khán giả sẽ chú tâm hơn vào phần hoà âm phối khí.

Đơn cử cho trường hợp này là nhà sản xuất âm nhạc tài hoa bạc mệnh Avicii. Avicii đã để lại cho nền âm nhạc thế giới không ít các sản phẩm âm nhạc đình đám, và các sản phẩm này đều không hề xuất hiện tên ca sĩ thể hiện, chỉ “độc nhất” tên của nhà sản xuất âm nhạc, điều này khiến không ít khán giả “gà mờ” nhầm tưởng Avicii là tên ca sĩ thể hiện. Có thể hiểu nôm na rằng, các Producer chấp nhận chi tiền để “mua đứt” phần vocal của ca sĩ khi thu âm để dành riêng cho bản phối của mình.

Một ví dụ cụ thể hơn là bản “Waiting For Love” cực kỳ nổi tiếng của Avicii với phần vocal được thể hiện bởi ca sĩ Simon Aldred, cựu giọng ca chính của nhóm nhạc Cherry Ghost. Ngoài ra còn có bản “The Nights” nổi tiếng không kém cạnh với sự góp phần vocal của ca sĩ/ nhạc sĩ Nicholas Furlong.

Một điểm chung của những cú hit này là chúng đều không đề credit ca sỹ, có không ít các siêu phẩm dù công phá các bảng xếp hạng nhưng vẫn có không ít khán giả mù mờ về giong ca thể hiện trong bản phối ấy, đại đa số chỉ nhớ đến cái tên Avicii và đây hẳn là một điều mà cả ekip muốn hướng đến.

Các ca sĩ góp phần thể hiện trong ca khúc cũng không có ý kiến (hay không có quyền ý kiến) về việc ghi thiếu tên của mình trong các ca khúc bởi có lẽ khi họ chấp nhận tham gia vào sản phẩm đã được thoả thuận và đồng ý với việc tên của mình sẽ xuất hiện hoặc không xuất hiện như thế nào. Song, đối với các trường hợp như vậy khi biểu diễn live DJ hay Producer đều hoàn toàn có thể biểu diễn một mình, hoặc nếu có thêm sự góp sức của ca sỹ thì càng tôn lên màn trình diễn nhưng không hề có sự ràng buộc nào cả.

Đọc thêm